Từ trước đến nay, hẳn mọi người đã quen thuộc với những Lễ Gia Tiên truyền thống đi cùng mâm quả, trầu cau, áo dài đỏ thắm, phông chữ Song Hỷ và vô số lễ nghi rườm rà không tên.
Nhưng thật sự, khuôn khổ là do chúng ta đặt ra, và không có cái "quy tắc" gì gọi là bắt buộc trong ngày trọng đại. Giống như ba của cô dâu Minh Tâm đã nói: "Chú thích một chữ 'Hòa' xuất hiện trên phông làm lễ, đó cũng là tiêu chí giữ gìn mối quan hệ gia đình và là điều chú muốn gửi gắm đến con gái rượu cùng con rể tương lai của chú". Vì thế, chữ "Hòa" đã hiện diện thay cho chữ "Song Hỷ" quen thuộc.
Giống như gia đình của chú rể Kevin chọn trưởng tộc đại diện gia đình là dì Nga, thay vì một bác trai có vai vế và lớn tuổi trong dòng họ. Đơn giản vì gia đình Kevin đã định cư quá lâu ở nước ngoài, cả nhà còn mỗi dì Nga thạo ngôn ngữ và am hiểu lễ nghĩa quê nhà nhất. Vậy nên, lần đầu trong 10 năm làm nghề, DWP Team đã được chứng kiến một trưởng tộc nữ dẫn dắt cả buổi Lễ Gia Tiên.
Ngoài ra, bạn sẽ không thấy nghi thức trao nhẫn trong buổi sáng hôm ấy, không phải do dâu rể lược bỏ, mà vì khi cập rập chuẩn bị, đôi nhẫn xinh xắn ấy đã bị mọi người cho "ngủ quên" ở nhà rồi. Thế nhưng, ai nấy cũng cười xòa và hoan hỉ lướt qua và để dành nghi thức thiêng liêng này cho tiệc tối diễn ra tại khách sạn sau. Quan trọng nhất vẫn là không khí lễ, cũng như tình cảm mà mọi người dành cho nhau, một hai nghi thức thêm hay bớt chẳng thành vấn đề.
Không khí thì nóng, nhưng niềm vui và tiếng cười của hai gia đình dường như xua tan tất cả mệt mỏi, chỉ còn đọng lại những kỉ niệm đẹp về Lễ Gia Tiên tuy không theo nguyên tắc nào nhưng vẫn đượm "chất Việt".
Planning & Decoration | December Wedding Planner